ẤN ĐỘ _ NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC (1)
Từ lần được mời dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Quan hệ Hữu nghị và Đối tác India – Vietnam ngày 6 tháng 1, 2022 rồi đến Lễ Kỷ niệm ngày Cộng hòa Ấn Độ lần thứ 73, 26 tháng 1 năm 2022 do Tổng Lãnh sự quán Ấn tại tp. HCM tổ chức, tôi có dịp hồi tưởng và ghi lại ký ức về đất nước của một dân tộc lớn, được cho là một trong ba chủng tộc thông minh nhất thế giới: Do Thái, Ấn Độ, Đức, trong tương quan với đất nước Việt Nam.
Từng là phiên dịch viên kiêm thư ký 2 tuần năm 1989 cho Tổng Lãnh sự Ấn Độ đầu tiên sau 1975 Harsh Vardhan Shringla và sau đó trở thành bạn. Rồi năm 2002 được CLB Nữ Doanh nhân Saigon cử tham dự khóa học 10 tuần với học bổng toàn phần của chính phủ Ấn về Tư vấn Quản lý Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ ở NISIET (National Institute of Small Industry Extension Training), Hyderabad nên ít nhiều tôi có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc với văn hóa và con người xứ Ấn.
Cho đến nay, tôi đã có dịp đi chơi, đi công tác hay đi học ở 6 nước châu Á _ Cambodia, Thái Lan, Singapore, Trung quốc ở thập niên 1990, thế kỷ 20; Ấn Độ và Nhật ở thế kỷ 21. Và Ấn Độ là nước đã ghi dấu ấn tốt đẹp và sâu sắc nhất nơi tôi so với 5 nước còn lại. Không kể đến những nhân vật lừng danh thế giới có ảnh hưởng toàn cầu gốc Ấn, hay sinh ra và lớn lên hoặc cư trú và qua đời ở Ấn độ, như Phật Thích Ca; Mahatma Gandhi, tục gọi là Người khai sinh nước Ấn; Mẹ Teresa; Jawaharlal Nehru, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ; Indira Gandhi, thủ tướng thứ 3 và cho đến nay là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ; Rabindranath Tagore, đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú, những thường dân Ấn mà tôi tiếp xúc qua 10 tuần học ở Hyderabad đã phản ánh bản sắc văn hóa Ấn Độ _ sự tôn trọng những giá trị tinh thần. Thật không ngoa khi nói rằng Văn hóa là tấm gương phản chiếu tâm hồn, là nhân cách cộng đồng của một dân tộc. (Ts. Nguyễn Hoài Văn).
Mặc cho bạn bè trong giới doanh nghiệp khuyến cáo về sự nguy hiểm của cuộc xung đột quân sự ác liệt giữa Pakistan và Ấn Độ đang trên bờ vực của chiến tranh hạt nhân lúc đó, tháng 7 năm 2002 tôi vẫn quyết định làm đơn gửi Chi cục Thuế quận Phú Nhuận xin tạm ngưng hoạt động doanh nghiệp tư nhân An -Thanh của tôi 10 tuần để sang Hyderabad, Ấn Độ. Chuyến đi khởi đầu cho một kỳ nghỉ dài đầy phúc lạc sau hơn 2 năm vất vả sản xuất và kinh doanh đến tận bây giờ vẫn còn tươi mới trong ký ức của tôi.
Ngay trên chuyến bay từ Saigon sang Hyderabad quá cảnh ở New Delhi, một ông người Ấn không quen biết ngồi cạnh tôi đã ân cần chỉ dẫn những điều nên và không nên làm trong thời gian ở Ấn Độ. Một trong những điều ông dặn dò là không bao giờ ra khỏi học viện xuống phố hay từ ngoài trở về học viện sau 8:00 giờ tối vì sẽ rất bất trắc cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nước ngoài. Xuống sân bay ở Hyderabad, nhóm 3 người Việt chúng tôi được đại diện NISIET đón tiếp chu đáo đưa về học viện.
Để kể chi tiết tất cả các sự việc đầy kịch tính và gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc nơi tôi suốt 10 tuần ở Hyderabad và sau đó là Bangalore về con người và xứ sở của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới với sự đa dạng muôn màu muôn vẻ và di sản văn hóa phong phú hẳn phải viết cả một cuốn sách. Nhưng trong giới hạn của bài viết này tôi chỉ có thể kể một số sự việc khiến tôi cảm thấy đã vô cùng may mắn và hạnh phúc sống qua 2 tháng rưỡi ở Ấn Độ.
Trước ngày lên máy bay, tôi đã kịp học 10 câu tiếng Hindi xã giao ngoài vốn Anh ngữ đủ để nghe và nói về mọi thứ trên đời nên tôi dễ dàng tương tác với thường dân cũng như tầng lớp trí thức xứ Ấn.
Thứ đầu tiên cuốn hút tôi khi tiếp xúc với dân Ấn là đôi mắt của họ. Từ trẻ nhỏ đến người già, nữ lẫn nam, mắt ai cũng tuyệt đẹp từ hình thể đến ánh mắt sâu thẳm, hút hồn.
Đi khắp phố phường và cả xem truyền hình, tôi không hề thấy các bảng hay phim ngắn quảng cáo thuốc lá và bia rượu. Còn về quảng cáo các hàng tiêu dùng, có một lần xem truyền hình ở phòng sinh hoạt chung của các học viên, một mẩu quảng cáo dầu gội đầu do 1 đôi nam nữ Ấn thể hiện trong đoạn phim đã khiến tôi vô cùng thán phục sự thông minh của người nghĩ ra phim quảng cáo hoàn toàn không lời, chỉ có nhạc nền cùng hình ảnh động và cuối phim hiện lên các dòng chữ ngắn gọn về sản phẩm. Trước đó và bây giờ, chưa bao giờ tôi xem quảng cáo mà không hề có lời giới thiệu, quảng bá sản phẩm như vậy. Ở các phim quảng cáo tôi đã và đang xem trên truyền hình, hàng tràng lời tuôn ra như thác chảy nói về các tính năng, công dụng của món hàng để cố thuyết phục khách mua và lặp đi, lặp lại không ngớt. Còn ở đây, phim ngắn chiếu 1 đôi tình nhân với anh chàng đang đuổi theo bạn gái có suối tóc dài tung bay trong gió. Nàng chạy đến một hàng rào thì chậm lại để chui qua khe rào. Chàng đuổi kịp, đưa tay nắm lấy tóc nàng kéo lại nhưng suối tóc SUÔN, MƯỢT của nàng đã tuột khỏi tay chàng. Nàng lách qua hàng rào thoát được, ngoái đầu nhìn chàng cười lém lỉnh và ngay sau đó màn hình hiện lên tên thương hiệu và vài chữ ngắn gọn về ưu điểm của dầu gội đầu. Tất cả diễn ra trong vòng 10 giây. Theo tôi, đó là một phim quảng cáo rất hay và hiệu quả. Người xem không cần nghe nói quá nhiều, chỉ cần nhìn mái tóc rất đẹp của nàng và hành động túm tóc bất thành của chàng là đủ. Hai mươi năm trôi qua, tới giờ tôi vẫn nhớ như in vẻ đẹp của cánh đồng cỏ và đôi diễn viên cùng nhạc nền trong đoạn phim đó. Một nghệ thuật quảng cáo siêu đẳng.
Học viện rộng mênh mông rợp đầy cây cao cùng các thảm cỏ xanh
mướt, các bụi hoa đủ màu sắc như một công viên. Ngày nào lên giảng đường học,
tôi cũng đi qua các lối đi rất đẹp. Gặp các người làm vườn đang tưới và chăm
sóc cây, cỏ, hoa lá…tôi đều chào họ bằng các câu tiếng Hindi. Học phải đi đôi
với hành chứ. Ai cũng vui vẻ chào đáp lại. Có lẽ nhờ áp dụng đúng câu Tiếng
chào cao hơn mâm cỗ đó mà tôi được cả nhân viên học viện, từ những người làm
vườn, phục vụ bàn ở nhà ăn tập thể kiểu buffet, đầu bếp cho đến nhân viên văn
phòng, lẫn thầy cô giáo, ban giám hiệu đều quý mến. Mỗi khi vào nhà ăn, có một
cậu thiếu niên phục vụ bàn cười chào tôi và đến nói nhỏ vào tai, madam, dãy bàn
bên đây là thức ăn mới nè; đừng lấy thức ăn cũ ở dãy kia. Các cậu phục vụ bàn
và ông quản lý nhà ăn rất ghét một số bạn cùng khóa với tôi, những người chuyên
bỏ thừa mứa thức ăn khi lấy đầy cả dĩa mà chỉ ăn 1 góc nhỏ. Mấy bạn này đến từ
các nước châu Phi, thường ca cẩm thức ăn Ấn Độ cay quá và gọi các cậu phục vụ
bàn đến bảo họ đừng cho ớt vào thức ăn. Hôm sau, mọi sự vẫn như cũ, họ lại kêu
la cay quá không ăn được, các cậu phục vụ bàn vẫn vâng dạ nhưng rồi các hôm sau
nữa thức ăn vẫn cay. Và các bạn châu Phi này lại tiếp tục la hét quát tháo các
cậu phục vụ bàn. Trong khi đó, các cậu phục vụ lại hỏi tôi, madam, có ăn cay
được không, đồ ăn có vừa miệng không. (còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------------------
ẤN ĐỘ _ NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC (2)
https://www.facebook.com/ngocthanh.truong.779/posts/4957711144344341
Mấy hôm nay lục trong các thùng carton tìm bìa đựng các giấy tờ, tài liệu về 10 tuần du học ở Ấn Độ để minh họa cho bài viết tiếp. Nhưng sau bao nhiêu lần dọn nhà không biết lạc đâu mất một số nên giờ còn bao nhiêu dùng bấy nhiêu.
Khóa tôi học gồm 19 học viên đến từ Ghana; Zambia; Việt Nam, Philippines, Egypt (Ai Cập), Uzbekistan, Oman, Mauritius…Không biết còn thiếu nước nào chăng vì tập tài liệu ghi chép danh sách học viên, đất nước của họ và hình ảnh NISIET phát cho học viên khi mãn khóa tôi chưa tìm được. Hai bạn nữ Việt Nam cùng dự khóa học, một lớn hơn tôi 1-2 tuổi, người kia chỉ ngoài 20, được ở cùng phòng. Còn tôi chung phòng với cô người Ghana chỉ 19 tuổi. Lúc gõ cửa phòng cô Ghana để đem hành lý vào, khi mở cửa ra cô ta (tên nằm trong tập tài liệu thất lạc!), nói ngay với tôi, Bạn có thể xin đổi phòng nếu không thích ở cùng tôi. Tôi cười chào vui vẻ bảo, Cho tôi vào. Sau đó, hai bạn Việt nói với tôi, Nếu là tôi thì họ xin đổi phòng ngay. Vì vừa mới nhìn thấy cô đó là họ giật mình liền vì sợ. Sao tôi gan quá, dám ở chung.
Khoảng 2 tuần trước khi khóa tôi học kết thúc thì có 45 học viên khóa sau vào học viện mà tôi chỉ nhớ tên một số nước của họ: Indonesia, Jordan, Russia (Nga), Bhutan…Trong số đó có thêm 1 bạn nữ trẻ 20+ từ Việt Nam. Khóa tôi học cùng với khóa mới này họp thành một tập thể nhộn nhịp đa chủng tộc - văn hóa – ngôn ngữ – tôn giáo nhưng Anh ngữ vẫn là ngôn ngữ chung ở học viện. Trừ 2 bạn Việt đi cùng tôi và bạn Việt đến từ khóa sau, ai cũng nói tiếng Anh tự nhiên, lưu loát.
Học viện có 1 phòng Internet trang bị khoảng hơn 10 máy tính bàn nối mạng cho học viên dùng. Các học viên khóa tôi thay phiên nhau dùng số máy tính ở học viện, không đến nỗi tranh nhau. Khi nào phòng máy tính không còn máy trống thì tôi ra ngoài đến các điểm dịch vụ. Nhưng khi 45 học viên khóa sau đến và số máy ở phòng máy vẫn không tăng thêm thì vấn đề xuất hiện. Ai muốn dùng máy thì phải chờ đến lượt và phải giới hạn thời gian dùng của mình để nhường cho người đến sau đang chờ. Tôi vẫn nhớ mãi lúc cần máy làm bài thuyết trình giới thiệu Việt Nam (các học viên tham dự khóa học phải làm slide show giới thiệu đất nước và dân tộc mình), phải tìm tài liệu, hình ảnh và làm slides trên mạng khá mất thời gian và công sức. Phòng máy buổi chiều tối trước hạn cuối không có máy trống và thời gian ngồi máy cần thiết để hoàn tất bài thuyết trình nên tôi bắt buộc phải ra điểm dịch vụ gần học viện. Mở ví ra thì hết sạch tiền rupee của Ấn Độ, chỉ còn một ít Mỹ kim (đô la Mỹ) đem theo từ VN. Mà lúc đó trời nhá nhem tối nên các điểm đổi ngoại tệ quanh học viện đã đóng cửa. Tôi đang đứng ở sân ngoài phòng máy, bối rối không biết làm sao để có máy tính hoàn tất bài thuyết trình. Chung quanh tôi, một vài bạn cùng khóa và khóa sau cũng đang ái ngại cho tôi thì bỗng có 1 thiếu niên Ấn Độ, khoảng 13-14 tuổi, ăn vận rất lịch sự với áo sơ mi đóng thùng và phong thái rất chững chạc tiến đến trước mặt tôi. Cậu ta rút ví ra lấy 1 số tiền rupee Ấn đưa cho tôi bảo là tôi dùng để đến dịch vụ Internet hoàn thành bài thuyết trình. Mừng quá, tôi xin được đổi lại Mỹ kim cho số rupee cậu ta đưa. Nhưng, cậu nhất định không nhận 1 đồng nào của tôi mà bảo là tặng tôi số rupee đó, có đáng gì đâu. Xong, cậu ta giục tôi đi nhanh ra dịch vụ Internet kẻo trễ. Tôi hỏi tên thì cậu ta tự giới thiệu là …, một người chuyên sưu tầm tiền nước ngoài, vào học viện gặp gỡ các học viên NISIET để xem ai có loại tiền cậu ta đang thiếu thì sẽ mua. Mấy ngày sau cậu lại vào học viện gặp các học viên NISIET để mua tiền nên tôi có chụp được ảnh cậu ta, người mặc áo xanh trong hình 1. Tuy nhiên, tên họ và số liên lạc của cậu thì sau 20 năm đã tan vào hư không. Giờ đây trong ký ức của tôi chỉ còn lại sự kiện trên và dáng vẻ đĩnh đạc, trưởng thành trước tuổi của một thiếu niên Ấn Độ.
Chính phủ Ấn ngoài việc lo cho học viên học, chỗ ở, chỗ ăn, cho đi nghiên cứu thực tế (field trip), đi tham quan, đi chơi còn cho tiền túi (rupee Ấn) học viên để chi xài khi xuống phố. Tôi đã dùng toàn bộ số tiền đó mua quần áo Ấn Độ, nữ trang, khăn quàng, giày dép, và các món đồ thủ công mỹ nghệ Ấn Độ. Trong lần đầu tiên dạo phố mua sắm, tôi nói với anh chàng Ai Cập Mohamed cùng khóa, người có vẻ mặt thông minh, hiền lành, ít lời là khi nào anh ta xuống phố cho tôi đi cùng để đỡ sợ mà thong thả mua sắm. Anh chàng vui vẻ đồng ý. Ai ngờ anh chàng chẳng có nhu cầu mua sắm hay bát phố gì cả, chỉ đi theo tôi làm cận vệ mà sau khi về lại học viện tôi mới biết. Lần đó tôi mua 2 bộ Punjabi và mấy hộp bindi (các miếng hình tròn màu đỏ sẫm đường kính độ 5mm phụ nữ Ấn thường dán giữa 2 đầu chân mày) để dùng ngay sau đó, hóa thân thành phụ nữ Ấn. Sau lần đó, không muốn làm phiền Mohamed và cũng đã quen với phố phường Hyderabad, không còn e sợ nữa nên tôi đi một mình xuống phố mua sắm hay ngắm cảnh, ngắm người. Vô cửa hiệu nào là tôi cười, chắp tay chào hỏi chủ tiệm trước bằng vài câu tiếng Hindi. Kế đến, trong khi ngắm nghía hàng để mua là tôi dùng tiếng Anh (dân Ấn ai cũng nói được tiếng Anh lưu loát, với giọng Ấn đặc trưng), kể rằng tổ tiên tôi là người Ấn Độ, di cư qua Việt Nam và tôi là cháu chắt nhiều đời sau nên chỉ nói được tiếng Anh và chút ít tiếng Hindi. Nhìn mặt mũi tôi cùng chấm bindi trên trán rồi nghe giọng tiếng Hindi và tiếng Anh của tôi, các chủ tiệm thân thiện bảo, Ồ, ra vậy cô cùng là dân Ấn với chúng tôi (Oh, so you are one of us!). Thế là tôi được giảm giá sâu các món hàng mình mua. Phải thôi, vì tôi toàn mua hàng do dân Ấn sản xuất mà!
Các bạn nữ cùng lớp hay rủ nhau và rủ tôi đi cùng mỗi khi xuống phố mua sắm. Tôi lại không thích đi chung vì các bạn hay la cà ăn uống, vui chơi ồn ào mà tôi thì chỉ thích mua đúng món mình cần rồi về thẳng học viện để làm việc trên máy tính. Mỗi khi các bạn mua sắm được gì về học viện là đem ra khoe nhau và với tôi, hỏi nhau xem đắt rẻ thế nào. Lần tôi mua 1 số khăn quàng về học viện, các bạn xúm lại đòi xem và hỏi giá tiền. Khi tôi nói giá ai cũng ngạc nhiên sao tôi mua rẻ hơn họ 20 – 30%, bảo tôi lần sau đi mua sắm cùng với họ để họ mua được giá rẻ như tôi. Nhớ có lần học viện cho cả lớp đi tham quan hội chợ thủ công mỹ nghệ ở một làng nghề, cả nhóm bạn nữ chúng tôi đi cùng nhau xem các gian hàng. Tôi ghé vào 1 gian hàng mua 1 món đồ thủ công mỹ nghệ, không hề mặc cả. Sau khi trả tiền xong thì các bạn nữ cũng muốn mua đúng món đó nhưng chủ gian hàng lại tính giá cao hơn gấp rưỡi và nhất định không bớt. Thế là cả bọn níu áo tôi lại bắt tôi đưa đúng món đồ đã mua cho chủ hàng xem và gào lên, Tại sao cùng 1 món hàng mà chủ hàng bán cho tôi giá rẻ hơn bán cho họ vì rõ ràng họ đứng ngay sau tôi lúc tôi trả tiền cho món đồ đó. Chủ hàng cương quyết không hạ giá, nói vì lý do đặc biệt nên họ bán giá rẻ cho tôi nhưng nhất định không nói đó là gì! Ai biểu không chịu học vài câu tiếng Hindi để chào hỏi và tươi cười lúc gặp chủ tiệm!
Dù vẫn nhớ lời ông ngồi cạnh tôi trên chuyến bay từ Sài Gòn sang Hyderabad đã khuyến cáo đừng ra khỏi hay trở về học viện sau 8:00 giờ tối, một lần đi bộ xuống phố một mình mải mua sắm, ngắm người, ngắm cảnh tôi quên cả giờ giấc. Khi bắt đầu quay về học viện nhìn đồng hồ đã gần 9:00 giờ. Dưới phố, đèn sáng trưng, người đi tấp nập nhưng con đường độc đạo nối học viện với khu phố lại vắng vẻ và chỉ có vài ngọn đèn đường tù mù. Tôi vừa đi vừa răng kề răng, lưỡi co lên chân răng trên vừa thầm niệm Phật trên đỉnh đầu. Thế là tự dưng trong lòng cảm thấy bình an vô cùng, tôi cắm đầu đi riết về học viện. Về đến nơi, nhìn đồng hồ là hơn 9:00 giờ đêm. Bọn bạn cùng khóa vừa thấy tôi đã la lên, Thanh, đi đâu mà giờ mới về. Tụi này định đi tìm bạn đó. Sao bạn dám đi một mình xuống phố vậy. Hôm qua tụi này đi chung một nhóm bị một gã say rượu quấy rối làm bọn mình chạy gần chết. Đó là trong nhóm có cô Philippines giỏi võ đấy. (còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------------------
ẤN ĐỘ _ NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC (3)
https://www.facebook.com/ngocthanh.truong.779/posts/5011815755600546
NHỮNG
KỶ NIỆM KHÓ PHAI
1/ Ngoài giờ học theo lịch, tôi cứ một mình dạo khắp
phố xá Hyderabad. Mua sắm, rửa hình (rọi ảnh _ năm đó tôi vẫn còn dùng chiếc
máy ảnh Canon và phim âm bản Kodak để chụp hình), ngắm người, ngắm cảnh…Đi bộ khi
xuống phố gần, leo lên xe bus hay xe auto rickshaw (hình 1) nếu đi xa hơn. Đơn
độc đi giữa phố phường của một đất nước có dân số đông thứ 2 trên thế giới và
xe bus nào cũng đầy hành khách đứng chen chúc nhưng thật lạ là lúc nào tôi cũng
cảm thấy an yên.
Có một sự việc xảy ra vào một chiều nhạt nắng khi tôi thả
bộ trên con đường độc đạo từ phố về học viện ngang qua một bãi đất trống đã in
sâu vào ký ức của tôi. Đi từ xa tôi đã thấy một đám đông hò hét ầm ĩ vây quanh
hai thanh niên rất trẻ đang thủ thế giữa bãi đất trống chuẩn bị xông vào đánh
nhau. Tôi e ngại dừng bước, nép sát vào tường một nhà ven đường, không biết làm
cách nào về học viện vì không còn đường nào khác ngoài lối đi qua bãi đất đó. Bất
ngờ, đám đông tản ra và hai thanh niên đang hung hăng sắp lao vào nhau buông
tay xuống, đứng thẳng người trở lại nhìn hướng về phía tôi và ra dấu mời tôi đi
qua, miệng nói, madam, please go. Tôi kinh ngạc, vội vàng nói cám ơn và nhanh
chân rảo bước, lòng thầm mong hai thanh niên đó chỉ đùa vui chứ không phải thực
sự sắp đánh nhau. Hoặc giả họ sắp quyết chiến nhưng khi nhìn thấy tôi, một phụ
nữ ngoại quốc, đã từ bỏ để thể hiện tính hiếu khách của mình. Tuy nhiên, dù thật
hay đùa, sự kiện đó đã gây ấn tượng vô cùng tốt đẹp nơi tôi về người dân Ấn. Thật
tiếc, tôi có đem theo máy ảnh nhưng không dám đứng lại chụp.
2/ Lần chúng tôi được học viện cho đi nghiên cứu thực
tế, đi chơi và tham quan ở Bangalore bằng tàu hỏa, lại xảy ra một việc nhớ đời nữa
đối với tôi. Từ Hyderabad đến Bangalore tàu hỏa phải đi gần 10 giờ, băng qua gần
600km nên chúng tôi phải trải qua một đêm trên tàu. Sáng dậy, không muốn xếp
hàng lâu lắc chờ tới lượt dùng nhà vệ sinh trên tàu cho việc vệ sinh cá nhân
nên một số bạn và tôi xuống tàu dùng nhà vệ sinh trả phí ở dọc sân ga. Dù cũng
phải đợi nhưng nhanh hơn trên tàu. Không ngờ tới khi tôi đánh răng, rửa mặt
xong xuôi quay ra thì tàu đã chạy mất, một mình tôi bị bỏ lại đứng bơ vơ trên
sân ga thênh thang, trên tay chỉ có bàn chải răng, tube kem đánh răng, ca nước
và khăn mặt. Trên người không một xu dính túi hay giấy tờ tùy thân vì tất cả nằm
trong túi hành lý trên tàu. Thế là tôi lủi thủi đến phòng điều hành ga tàu
trình bày sự tình với ban quản lý, nhờ họ giúp đỡ. May là tôi nhớ được tên học
viện và kể lại sự việc cũng rành mạch, dễ hiểu nên ban quản lý trấn an, nói tôi
chịu khó ngồi đợi, họ sẽ sắp xếp cho tôi lên chuyến tàu kế đến Bangalore mà
không phải trả tiền vé. Tôi vẫn nhớ mãi cách viên quản ga giải quyết sự việc:
nhanh gọn, nhẹ nhàng, lịch sự và trên hết giúp tôi an lòng, không hoảng sợ vì bị
bỏ lại giữa đường,
Thế là tận dụng thời gian đợi chuyến tàu kế tiếp, tôi
dạo quanh sân ga, quan sát bốn bề, ngắm cảnh, ngắm trời…như một du khách nhàn tản
hơn là một kẻ bị lỡ tàu với vài vật dụng vệ sinh cá nhân trên tay J
Trên chuyến tàu kế tiếp, tôi được xếp vào toa hạng nhất
có máy lạnh ngồi đối diện với một ông hành khách Ấn Độ. Cả toa chỉ có ông ấy và
tôi. Sao mà rộng rãi, thoải mái, mát mẻ… Đúng là trong rủi có may. Ở toa tàu trước,
các học viên chúng tôi mỗi người trên một giường nằm của 2 cụm giường tầng đối
diện nhau trong một toa không có máy lạnh, cảm giác thật chật chội, chen chúc.
Như thường lệ, bước vào toa tàu là tôi vui vẻ, lễ độ chào
hỏi ông hành khách Ấn. Thế là sau đó, suốt chặng đường dài mấy giờ đồng hồ ông
ta và tôi chuyện trò rôm rả. Tôi lại có dịp quảng bá Việt Nam, cho biết vì sao tôi
ngồi đối diện ông trên chuyến tàu này khi trả lời các câu hỏi của ông. Lòng
bình an, hân hoan vì đã hết là trẻ lạc đang ở đồn cảnh sát chờ tìm người thân,
tôi còn dám cả gan thơ thới, thảnh thơi múa rìu qua mắt thợ chỉ cho ông ta, con
dân của đất nước sản sinh ra Ayurveda
(một hệ thống y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ, có niên đại trên 5.000
năm, mang lại nhiều tiềm năng cả theo quan điểm y học phương Đông lẫn y học
phương Tây), cách
thực hành phương pháp thiền Việt Nam mà tôi đã và đang tập _ lý do tôi trông trẻ
trung tươi tắn hơn rất nhiều tuổi 45 của mình mà ông ta sửng sốt biết được. Và
sau đó khi về Việt Nam, tôi giữ đúng lời hứa gửi qua bưu điện tặng ông ta cuốn
sách dạy phương pháp giúp tôi trẻ hơn tuổi theo yêu cầu tha thiết của ông ta!
Tiếc là hôm đó tôi không có máy ảnh để chụp hình lưu niệm trẻ lạc và người lạ tốt
bụng do ông ta ân cần bảo là khi đến nơi tôi xuống tàu nếu thầy quản lý không
ra ga đón tôi ông ta sẽ đích thân đưa tôi về đến chốn, sợ tôi một mình ở Bangalore
lại đi lạc nữa rồi nhỡ đâu bị bắt cóc. May quá, khi đến ga xuống, tôi đã thấy cả
một nhóm NISIET đứng đón. Khi cả nhóm
đưa tôi về đến nơi trú ngụ, một số bạn cùng khóa, nhất là mấy bạn nam từ Ai Cập,
Oman, Uzbekistan, chiêu đãi tôi một chầu thức uống ở phòng ăn của khách sạn nơi
học viện đặt cho chúng tôi ở, chào đón trẻ lạc trở về bình yên vô sự. Bọn họ thở
phào nhẹ nhõm, xin lỗi rối rít đã vô tâm không điểm danh cẩn thận nên tôi bị tàu
bỏ lại…May là chưa sao. Hú hồn hú vía!!!
3/ Học viện đề nghị các học viên khóa tôi học bầu khóa
trưởng để ban quản lý tiện truyền đạt thông báo, quy định cũng như lịch học và
hoạt động đến chúng tôi. Nhóm bạn nam, nhất là 2 bạn Ai Cập và Uzbekistan nhanh
nhảu đề cử một anh chàng Zambian (là bạn nam trong hình tôi chụp chung với các
học viên Zambian đăng ở tập 2 ẤN ĐỘ _ NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC). Cả khóa đồng ý ngay,
không biết có phải vì tính cách bạn ta hoạt náo, hay nói, thích thể hiện, lại
to cao, có vẻ đầy năng lượng tích cực như mọi người trông đợi.
Khóa trưởng thường đi cùng một bạn nam đồng hương Zambian,
kiểu giống như trợ lý, đến đâu là ồn ào đến đó. Bạn ta đặc biệt chú ý đến tôi.
Hơn tôi 1 tuổi và dù đã có gia đình và cả cháu nội theo lời bạn ta khoe, khóa
trưởng vẫn công khai vào giờ ăn trưa ngang nhiên đến bàn tôi ngồi ở nhà ăn tập
thể đặt chìa khóa phòng của mình lên bàn trước mặt tôi, tỉnh bơ bảo tôi toàn
quyền đến phòng bạn ta bất cứ lúc nào!!! Thật là một anh bạn có tính thích thả
thính lung tung…Tôi chỉ im lặng mỉm cười, phớt lờ, xem như không nghe, không thấy
gì cả…
Sự năng nổ của bạn trưởng khóa ngày càng bộc lộ tối
đa. Một hôm, bạn ta kêu gọi tất cả các học viên đóng tiền để bạn tổ chức tiệc
sinh nhật cho một bạn nữ người Filipino (Phi Luật Tân). Tôi đã không hưởng ứng
lại còn tuyên bố công khai, nói sinh nhật ai người đó bỏ tiền chiêu đãi những
người họ mời dự. Ai thích thì mua quà tặng khi đến dự. Cớ sao lại có chuyện trái
khoáy như vậy. Khóa trưởng cao giọng với tôi, Không đóng tiền thì đừng đến dự
nghe! Tôi thầm nghĩ, bỏ tiền làm tiệc mời còn chưa chắc đi, huống hồ…Các bạn
kháo nhau khóa trưởng thèm nhậu nên mới bày trò thu tiền để mua bia mồi…Rốt cuộc
tiệc sinh nhật bị hủy vì không ai đóng tiền! Khóa trưởng nhìn tôi hậm hực.
Một lần nọ, học viện cho chúng tôi đi nghiên cứu thực
tế, lên lịch ngày…tất cả học viên tập trung ở nơi quy định để lên xe đi đến công
ty…Xe sẽ khởi hành từ sân học viện lúc 9:00g sáng nên toàn bộ học viên phải có
mặt trên xe lúc 8:45g. Lúc 8:30g nhóm 3 người Việt chúng tôi vẫn đang ở trong
phòng chuẩn bị đi ra xe thì có tiếng gõ cửa. Bạn khóa trưởng đứng lừng lững ở cửa
phòng gắt um lên với chúng tôi, Giờ này mà vẫn còn ở đây. Mọi người đang đợi tụi
bây trên xe đó. Sau đó, trên đường đi dọc hành lang để ra xe (chỉ mất 5 phút đi
từ phòng chúng tôi ra xe), khóa trưởng oang oang rằng, Dân Việt Nam tụi bây lúc
nào cũng trễ giờ, bắt người khác đợi, luôn làm phiền mọi người…Chúng tôi nhìn đồng
hồ thấy chưa tới 8:45 g là giờ quy định phải có mặt trên xe, đưa đồng hồ cho bạn
ta xem rồi nói, Tụi này đâu có đi trễ. Nhưng khóa trưởng vẫn không ngưng bắn
liên thanh chỉ trích. Hai bạn Việt nhìn tôi, tức tối nói, Thanh, bà nói gì với
nó để nó im miệng đi chứ. Tôi chỉ nói đúng 1 câu với khóa trưởng, Nếu tụi tôi
có vi phạm nội quy thì ông chỉ được quyền trách cá nhân chúng tôi chứ không được
đụng đến dân tộc, đất nước chúng tôi như nãy giờ. Anh ta vẫn nhất định không im
mà còn thách thức, Tao cứ nói đó, làm gì tao…Và cứ thế khóa trưởng cứ ra rả lặp
đi lặp lại lời trách cứ “dân Việt Nam tụi bây…” suốt đường đi ra xe.
Ra tới nơi, xe đã đông đủ các học viên. Đứng ngay cửa
xe, tôi đanh giọng quát “Zambon”. Lập tức khóa trưởng tắt đài, ngậm tăm, chắc
đang tự hỏi không biết con Việt Nam này dùng tiếng lóng gì chửi mình vậy. Sau
khi ngồi vào chỗ, tôi từ tốn nói với thầy quản lý và toàn thể các bạn trên xe
là 3 người chúng tôi thấy chưa tới giờ lên xe theo quy định nên ở trong phòng hội
ý với nhau một việc. Vậy thôi. Không kể lể dài dòng hay xin lỗi. Khi xe lăn
bánh, vài bạn ngồi gần cửa nghe tôi quát “Zambon”, tò mò hỏi, Lúc nãy bạn nói
“Zambon” là gì vậy. Tôi cười, nói, “À, tôi định nói “Jambon”, Pháp ngữ nghĩa là
thịt đùi heo muối chế biến thành khúc giò người Pháp thích ăn. Nhưng vì khóa
trưởng người Zambian nói nhiều quá nên tôi phát âm từ Jambon thành Zambon, có lẽ
do bị ảnh hưởng bởi tên gọi xứ sở Zambia và dân tộc Zambian. Thế thôi. Ai muốn
hiểu sao thì hiểu.
4/ Khóa tôi học là từ 23 tháng 6 đến 25 tháng 8, rơi
vào mùa mưa, do ảnh hưởng của gió mùa, ở Ấn Độ _ tháng 6 đến tháng 9. Mưa làm
khí hậu ẩm ướt. Hyderabad nằm ở Đông Nam xứ Ấn, nhận lượng mưa nhiều hơn miền Bắc
Ấn. Khi máy bay ghé New Delhi trên đường từ Saigon sang Hyderabad, hành khách
chúng tôi được khuyến cáo ngồi yên trên máy bay vì nhiệt độ bên ngoài cao khủng
khiếp, trên 40 độ C. Nhưng khi đến Hyderabad thì khí hậu lại ôn hòa và vào
tháng 8 lại lành lạnh như ở Đà Lạt, nhất là sau những cơn mưa.
Trừ tôi ra, tất cả học viên khóa tôi học đều lần lượt
ngã bệnh, chẳng hiểu có phải do thời tiết trở lạnh chăng. Ngay cả các bạn nam
to khỏe cũng bị cảm lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, phải xin vắng mặt ở lớp
mấy buổi. Tôi bày cho các bạn uống nước chanh đường + gừng nóng và cho các bạn
mượn hũ cao cù là đem từ Việt Nam sang để xoa lên 2 màng tang chỗ huyệt Thái
Dương và 2 huyệt Phong Trì sau gáy. Kế đến chà mạnh cao cù là dọc sống lưng và
xoa 1 ít giữa ngực. Bạn đầu tiên áp dụng bài thuốc dân gian tôi chỉ thấy ngay
hiệu quả thần kỳ nên truyền cho các bạn khác. Thế là hũ cao cù là vàng của tôi
được các bạn chuyền tay nhau dùng. Tôi là người duy nhất không bị bệnh nên trở
thành điều dưỡng bất đắc dĩ xuống bếp xin chanh đường gừng pha nước nóng cho
các bạn uống giải cảm. Một hôm, từ giảng đường về gần tới ký túc xá, tôi nghe ở
dãy phòng bên nam có nhiều tiếng chân chạy gấp gáp và một giọng nam gào thét ầm
ĩ, Cứu tôi với, nóng quá, nóng quá. Thì ra anh chàng Hồi giáo Tariq từ Oman dốc
hết hũ cao cù là của tôi xoa khắp người mấy lớp không chừa chỗ nào cho mau hết
bệnh. Không ngờ quá nhiều cao làm toàn thân anh chàng quá nóng, bỏng rát giống
như phỏng nước sôi. Tôi la lên, nói anh ta vô phòng tắm vừa dội nước khắp người
vừa dùng khăn tắm chùi bớt cao ra khỏi thân thể…Bọn tôi được một trận cười ngả
nghiêng sau khi hú vía là Tariq không phải đi bệnh viện cứu phỏng. Sau đó tôi
nghe kể lại là lúc bị phỏng cao cù là, Tariq vừa nhảy tưng tưng trong phòng, vừa
gào, Thanh, mày hại tao, chết tao rồi…Trời ạ, bao nhiêu bạn dùng hũ cao cù là của
tôi ai cũng hết bệnh vì xoa đúng chỗ như tôi đã chỉ. Anh chàng Tariq này dục tốc
bất đạt bị phỏng rồi đổ thừa cho tôi là sao???
-
No comments:
Post a Comment