PAGES

HỒI KÝ _ MEMOIRS

 

Lời nói đầu

Vì thấy rằng cho đến tận bây giờ, 37 năm sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 mà một số người Việt xa xứ (hay lưu vong hoặc gì gì đó), nhất là những người định cư ở Hoa kỳ, vẫn còn ôm chặt lòng hận thù “bọn Cộng Sản” và biểu tình dài dài mỗi khi có đoàn đại biểu của VN sang Hoa kỳ công tác_kể cả các doanh nhân VN là những người chỉ muốn yên thân làm ăn chứ chẳng muốn dính dáng đến chính trị với phía bên này hay bên kia cũng bị biểu tình phản đối khi sang Hoa kỳ theo đoàn do Phòng Thương mại hay Bộ Thương mại tổ chức…tôi bắt tay vào thực hiện ý định hằng ấp ủ và đã được một nhà  báo gợi ý từ cách đây rất lâu: viết lại các câu chuyện thực của đời mình trong bối cảnh của Việt Nam sau 1975. 

Các câu chuyện xoay quanh việc một cô gái thân cô thế cô, đơn thương độc mã bước vào đời ngay trong giai đoạn Việt Nam thống nhất đất nước sau chiến thắng của một bên (một Pyrrhic victory_chiến thắng phải trả giá đắt, than ôi!) và thất trận của bên kia. Hai bên của cùng một đất nước Việt Nam, giống như hai mặt của tấm huy chương hay mặt sấp mặt ngửa của đồng xu gieo quẻ âm dương. Không thể loại trừ nhau mà chỉ có thể bổ sung cho nhau để tìm ra chân lý. 

Từ 1975 đến nay, tôi, nhân vật chính trong loạt bài tự sự, đã trải qua biết bao cảnh ngộ dọc đường đời mà chỉ bằng lòng tin vào chính bản thân mình đã vượt qua bao khó khăn để được làm người Việt Nam chân chính.Tôi đã gặp nhiều người tốt giúp đỡ, lắm người xấu hãm hại. Cả hai hạng người đó đều có mặt ở cả hai bên thắng trận và thất trận của Việt Nam, nói theo ngôn ngữ trận mạc. 

Tôi mong rằng những người đọc khi gặp câu chuyện tôi thắng được người xấu thuộc bên thắng trận không cho rằng đó là những thành tích chống Cộng của tôi. Ngược lại, đừng bảo tôi thân Cộng chống Quốc Gia khi tôi kể lại câu chuyện tôi bị người xấu bên thua trận bắt nạt, hãm hại. 

Cũng xin đừng cho tôi thuộc thành phần thứ ba tiếp tay cho Cộng Sản như tôi đã từng bị gán khi nói lên quan điểm hòa giải của mình đối với cuộc chiến vẫn tiếp diễn giữa hai bên sau 1975 cho đến tận hôm nay và không biết bao giờ mới chấm dứt… 

Theo tôi, muốn tránh chiến tranh và giải quyết được các vấn nạn xã hội, con người phải quay vào trong, trở về với mình, hoàn thiện bản thân, sống trong hòa đồng, thanh bình, trước nhất đối với chính mình,  rồi mới đến với người khác. Mọi chuyện chỉ có thể giải quyết từ gốc rễ, bắt đầu từ “tu thân”… 

Thay lời kết cho Lời Nói Đầu này, tôi muốn mượn nội dung cuốn phim HERO (Anh Hùng) của Trung quốc do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng với các diễn viên Lý Liên Kiệt, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di, Chung Tử Đơn…cùng thông điệp rất nhân bản và sâu sắc mà bộ phim chuyển tải: ALL ARE UNDER HEAVEN mà tôi rất tâm đắc. 

Kế đến là một đoạn văn trong quyển tiểu thuyết NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU (nếu tôi nhớ không lầm là vào năm 1919, nhà văn Hàn quốc Kim Dong In ra mắt tiểu thuyết đầu tay này đăng trên tạp chí Sáng Tạo (tạp chí Hàn Quốc đầu tiên phát hành ở Nhật Bản) như sau: 

“…...Nhưng em không bao gi là gián đip. Em không tha thiết hn vi mt x s nào đến mc đi làm gián đip. Em trình din vũ. Em là mt ngh sĩ. Nếu em làm vic gì, vic đó dành cho loài người, ch không phi dành cho mt x s nào. Cùng mt lúc, em thuc v tt c các nước mà li không thuc mt nước nào.” 

“ Xut thân t nhiu ging người, biu tượng ca mt hn hp văn hóa, gi kín trong sâu thm ca mình tt c nhng xao đng mâu thun ca mt quá kh rt xa xưa, nàng xut sc và bướng bnh, đc lp và du dàng, kỳ d và bt thường. Tuy nhiên, nàng vn đáng được tin cy vì không bao gi theo phe nào.” 

Cuối cùng là một trích đoạn trong tiểu thuyết ĐỨNG TRƯỚC BIỂN của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: 

“ Thì ra đng trước thc tế bê bi, s cng rn, đng đn ca uy quyn có hiu qu khut phc cao hơn nhng ngt ngào phi chăng ca đo lý.” 

Với tôi, uy quyền ở đây chính là Quyền lực Xám, quyền lực của chất xám, của trí tuệ, chứ không phải quyền lực của chức vụ, tiền bạc hay súng đạn… 

TTNT

--------------------------------------------------------------------------------------

Chuyện dưới đây xảy ra năm 1978 - 1979, năm quân quản_nghĩa là xã hội chỉ có luật bất thành văn của quân đội và công an đặt ra để cai trị dân miền Nam. Và là năm nằm trong quãng thời gian dân miền Nam vượt biên nườm nượp. Trên danh dự và sinh mạng của mình, tôi khẳng định là không hề bịa đặt hay thêm thắt chi tiết gì trong câu chuyện mở đầu cho truyện dài nhiều tập “TTNT sau 1975” này! 

ĐƠN KHIẾU TỐ TRƯỞNG CÔNG AN PHƯỜNG 

Chuyện bắt nguồn từ T.Q.T, tên gọi ở nhà là M.Đ., em út tôi, là con trai duy nhất trong gia đình bốn chị em, lúc đó mới 16 tuổi. Tôi là con cả, năm đó 21 tuổi, sinh viên năm 2 ban Anh văn, khoa ngoại ngữ ĐH Tổng hợp tp. HCM. Năm 1978 - 1979 là một trong những năm Sài Gòn nghèo thê thảm, ăn cơm độn khoai lang (kể cả khoai sùng), bột mì, bo bo…Mỗi ngày tôi đi học trên một chiếc xe đạp cà tàng mua lại của một Hoa kiều về Trung quốc bằng tiền truy lãnh ba năm dạy Mẫu giáo. Bữa trưa là một lon guigoz cơm độn bo bo hay khoai lang, bột mì…và áo mặc là áo khính người bà con cho. Nhà tôi lúc đó nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn 20m2 và 1 căn gác ọp ẹp cho 6 người ở_bà ngọai, mẹ và bốn chị em tôi. Muốn ngủ trưa tôi phải chui xuống gầm bàn mà ngủ vì không có chỗ. Vậy mà tên trung úy B.A.S, từ miền Bắc chuyển công tác vào Nam, trưởng công an khu vực phường 17, quận 10 lúc đó khét tiếng hung thần ác sát lại không tha gia đình tôi mà nhất định hoạnh họe với hai mục đích: dằn mặt và nã tiền. 

Nguyên nhân sâu xa khởi từ chuyện hắn ta đi tuần ngang nhà tôi nằm trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Tiểu La trong lúc lũ trẻ trong xóm đang tụ tập đá banh. Em trai tôi thì đứng trước nhà coi. Lúc đó đang có lệnh cấm trẻ con đá banh trên đường phố gây cản trở giao thông. Đúng lúc hắn ta đi ngang thì em trai tôi bắt lấy trái banh bọn trẻ đá về hướng của nó. Thế là B.A.S lập tức khép tội Đ. là đá banh trái phép. Đ. tức tối cãi nó chỉ chụp trái banh dùm bọn trẻ chứ không chơi. B.A.S quen thói đàn áp, quát nạt dân chúng khu đó nên khi Đ. dám cãi tay đôi với hắn, hắn nổi giận đùng đùng dùng một thế võ kẹp cổ Đ. lôi xềnh xệch về trụ sở công an phường. Khi đi ngang nhà cô Năm, bạn láng giềng của mẹ tôi, bà ấy sợ Đ. bị hắn đem về trụ sở nhốt và đánh nên đứng ra bảo lãnh, năn nỉ hắn tha cho Đ. Các nhà hàng xóm dọc theo hẻm đổ ra coi cũng nói vào nên hắn đành phải thả Đ. ra. 

Chiều mẹ tôi đi làm về thấy cổ Đ. bầm tím do cú kẹp cổ lôi đi của B.A.S, xót con nên lên gặp hắn giở luật về quyền Trẻ em ra nói với hắn để hắn đừng lập lại trò bắt nạt trẻ con nữa. Từ đó B.A.S cho gia đình tôi vào sổ bìa đen của hắn. 

Một hôm, nhà tôi nhận được thư công an phường 17 do hắn ký đòi mẹ tôi phải lên trụ sở CA “làm việc” về chuyện lý lịch gia đình liên quan đến ba tôi. Xin mở ngoặc ở đây là ba mẹ tôi lúc đó đã sống ly thân 17 năm vì mẹ tôi giận ông có bà nhỏ. Ông là sĩ quan VNCH, tốt nghiệp ở Mỹ về nhưng chỉ tại ngũ đến năm 1963 với quân hàm cuối cùng là Đại úy bộ binh. Trong lý lịch gia đình về phần ba tôi, mẹ tôi chỉ khai là “Mất liên lạc từ năm 1963 do có vợ khác”. Mà thực sự là từ năm đó ba mẹ tôi đã sống xa nhau rồi và mẹ tôi không cho ba tôi trở về nhà. 

Khi nhận được thư đòi đó, mẹ tôi rất lo sợ vì đã cố giấu chuyện ba tôi là sĩ quan VNCH. Lúc đó đang đi làm thư ký kế toán ở công ty Điện lực trong giai đoạn cao điểm thi đua xin nghỉ rất khó khăn. Tôi thấy mẹ lo sợ quá nên bảo để con đi với má lên gặp B.A.S coi hắn nói gì. Thì ra là hắn bảo mẹ tôi ký vào biên bản xác nhận đã man khai lý lịch về ba tôi. Tôi nói má đâu có khai man hồi nào mà ký, không ký gì hết. (Tội man khai lý lịch lúc đó là cắt hộ khẩu thành phố, đi kinh tế mới lập tức!). B.A.S chỉ ngay vào mặt tôi quát, “Cô kia, tôi chỉ mời mẹ cô chứ có mời cô đâu mà cô đến.” Tôi bất bình vì thái độ hống hách của B.A.S, quát lại, “Này, dân có việc oan ức cần khiếu nại là cứ đến, không đợi mời.” Hắn ta_tên này có bộ mặt rất cô hồn, đằng đằng sát khí, đã bao nhiêu năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in bộ mặt hung thần của hắn_ tháo dây da đeo súng lục và đạn quanh bụng quăng lên bàn trước mặt cái rầm, quát to lên, “Cô đi về ngay kẻo tôi cho bảo vệ lôi cổ cô ra bây giờ.” Tôi nộ khí xung thiên cũng gào to không kém, “À ra vậy, bác Hồ và Đảng dạy công an là bạn dân mà công an phường 17 nói năng, cư xử với phụ nữ như thế đó hả. Tôi không về. Chừng nào giải quyết mọi chuyện thỏa đáng xong mới về.” Một cậu công an mặt còn trẻ ngồi ở bàn bên trái tôi nghe tôi quát xong vội lên tiếng, “Chị nói ai có người chớ đừng nói chung chung về công an như vậy.” Lúc đó tôi bỗng sực nhớ Tờ khai Lý lịch đã được cô tổ trưởng dân phố ngày trước hướng dẫn viết bằng bút chì nộp cho cô ta thẩm tra, thấy đúng thì mới phát lại cho người khai viết lại bằng bút mực. Thế là tôi dõng dạc nhắc cho B.A.S nghe điều đó. Hắn ta im lặng với vẻ chột dạ hiện rõ lên bộ mặt hung hăng. Thế là tôi đắc thắng nói mẹ ra về. 

Về đến nhà tôi lập tức đi mua 4 tờ giấy carreau bắt đầu viết tay 4 bản Đơn Khiếu Tố. Hôm sau thức dậy từ tờ mờ sáng đạp xe đi học ghé qua 3 nơi gởi tờ đơn vào: Công An quận 10, cơ quan chủ quản của Công An phường 17; Viện Kiểm Sát Nhân Dân tp. HCM; Ủy Ban Nhân Dân quận 10. Nơi nào tôi cũng bắt văn thư ký nhận vào sổ tay của tôi ghi ngày đầy đủ kèm với lời đe dọa nếu sau một tuần tôi không thấy hồi âm Đơn Khiếu Tố này sẽ kiện ra tới Hà Nội! Còn bản thứ 4 tôi lưu lại nhà. Không biết sau quá nhiều lần dọn nhà bản lưu đó thất lạc nơi đâu… 

Ngày xưa lúc tôi học mới lớp 6 mà cô giáo dạy văn ở trường GL đã phê trong các bài luận văn của tôi là trong các thể loại văn chương thì tôi giỏi văn nghị luận nhất _ chặt chẽ và sắc bén. Có lẽ hai yếu tố đó của văn nghị luận của tôi đã làm nên tờ Đơn Khiếu Tố lịch sử, một trong các lý do khiến B.A.S sau đó bay chức còn tôi thì nổi tiếng như cồn khắp phường 17, quận 10. Trước khi viết lá đơn đó, tôi đến thư viện phường mượn các sách giáo điều của Bác và Đảng nghiên cứu kỹ rồi chép lại những câu sẽ sử dụng trong lá đơn. Hai bên hàng xóm láng giềng nghe tôi làm đơn khiếu tố B.A.S cam kết ủng hộ tôi ký tên vào tờ đơn. Lâu nay thiên hạ căm ghét B.A.S vì thái độ hống hách, làm tiền dân đen của hắn nhưng không ai dám ho he gì vì sợ hắn hơn sợ cọp. Tâm lý dân Sài Gòn những năm quân quản là rất sợ công an, bộ đội. Tay B.A.S này biết thế càng tác oai tác quái tợn. Lúc đó ai đi vắng vài ngày (chỉ có vượt biên mà thôi!) hắn biết được là cắt hộ khẩu ngay. Đi không thóat trở về muốn nhập lại hộ khẩu là phải chung vàng hay tiền cho hắn. Dường như dân miền Nam lúc đó dưới mắt của công an, bộ đội đều là tội phạm cả, tha hồ mà hoạnh họe, đàn áp! (điều này tôi cũng viết cặn kẽ trong đơn khiếu tố). 

Viết xong tờ đơn với 4 trang giấy carreau đặc kín chữ, hài hết tất cả tội danh của B.A.S từ chuyện đánh trẻ em, quát nạt dân, cư xử thô lỗ với phụ nữ…đến chuyện hống hách với dân và làm tiền dân đen, tôi mang đơn qua tìm cô Bí thư Chi bộ Thanh niên phường (cô này là học trò, còn trẻ măng) vận động cô ta ủng hộ. Thành công. Tôi vác đơn tiếp sang gặp ông anh họ là cảnh sát Sài Gòn trưởng phòng điều tra trước 1975 tham khảo ý kiến. Ông ta đọc xong bảo, “Thôi em ơi, em là phụ nữ đơn thân chân yếu tay mềm địch không lại tên trưởng công an phường này đâu. Phủ binh phủ, huyện binh huyện. Chuyện này là chuyện một mất một còn. Em bỏ qua là hơn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Chứ làm ra lẽ không thắng nó là gia đình em cũng khó ở yên nơi đó với hắn lắm.” Tôi nói, “Nhưng anh thấy nhà em đâu có đụng gì đến hắn đâu mà hắn cũng đã kiếm chuyện hại rồi.” Thế là mặc kệ ông anh can ngăn, cô TTNT ra nghị quyết “ĐÁNH”. 

Tục ngữ VN có câu, “Khôn không qua lẽ, khỏe chẳng qua lời” và “Ngòi bút có sức mạnh hơn hẳn cây súng” quả không sai. Tờ đơn mỏng manh nhưng có sức công phá của hàng tấn thuốc nổ TNT! Câu then chốt làm nên sức công phá bom tấn của tờ đơn là “Chính quyền Cách mạng còn non trẻ liệu có đứng vững nổi với những đại diện chính quyền kiểu  B.A.S hay không?” 

Sau một tuần, ông phát thư (lúc đó còn đi xe đạp cà rịch cà tang) đến trước nhà tôi la to, “Trương thị Ngọc Thanh ra nhận thư mời của công an quận 10 đây” Hai bên hàng xóm lấm lét nhìn tôi. A Hùng, người Hoa, bạn láng giềng với em trai tôi chạy qua bảo Đ., “Tao với mày đi theo chị Thanh lên gặp công an để có gì họ bắt chỉ đi học tập luôn không cho về nhà lấy quần áo thì tụi mình còn biết đường đi thăm nuôi.”. Thế là tôi đạp xe đạp đằng trước, A Hùng (đã định cư ở Hoa kỳ vài năm sau đó) và Đ. đạp xe đạp theo sau lên công an quận 10. Hóa ra, sếp của B.A.S thành khẩn xin lỗi tôi về thái độ và hành động của B.A.S, bảo rằng, “Do trình độ văn hóa kém nên B.A.S mới mắc sai lầm như thế. Chúng tôi chủ trương chữa bệnh cứu người chứ không giết người. Thôi cô bỏ qua để chúng tôi giáo dục cán bộ lại.” Tôi vặc lại, “Chuyện này chỉ cần biết đọc, biết viết là phân định được đúng sai. Công an B.A.S (trong Đơn Khiếu tố tôi gọi công an B.A.S chứ cóc thèm dùng đại từ nhân xưng anh hay ông hay hắn hay y gì cả!!!) viết chữ cứng cỏi, rõ ràng như vầy lại ở chức vụ Trung úy trưởng công an phường thì chắc hẳn trình độ học vấn phải hơn cô tổ trưởng tổ dân phố, người hướng dẫn tôi khai lý lịch rồi! Thôi được, anh đã nói thế thì tôi cũng đồng ý bỏ qua. Nhưng từ đây về sau công an B.A.S còn làm khó dễ gia đình tôi nữa là tôi không tha đâu đấy!” 

Và sau đó cô TTNT hiên ngang ra về. Cả phường 17 đồn ầm lên rằng tôi có chú hay bác làm lớn lắm ngòai Hà Nội nên mới dám đụng đến B.A.S và chiến thắng vẻ vang như vậy! Trong khi gia đình tôi chỉ có con số O to tướng về thân thế và tiền bạc. Chỉ có cô TTNT với lập luận, “Ủa, mình mang tiếng là trí thức, có học sao lại thua một thằng cường hào ác bá ngu si độc ác??? Sở học xưa nay mà không ứng dụng tự cứu mình được hóa ra đi học làm gì, vô ích.” Thêm một điều nữa, mọi người hay nhận xét rằng mỗi khi nổi cơn thịnh nộ chính đáng, cặp mắt cô TTNT bắn ra lửa đủ sức thiêu rụi người đối diện. 

Sau đó ít lâu, vì một lý do nào đó mà B.A.S bị tổ chức đem ra kiểm điểm với tờ đơn khiếu tố của tôi để giữa bàn họp. Tôi biết được điều này do cô bạn láng giềng tên Đ. lấy chồng công an kể lại. Và sau đó B.A.S bị cách chức đổi đi nơi khác. TTNT lại càng nổi tiếng hơn nữa. 

Tiếng “dữ” đồn xa, cô X. ở gần đó đến cậy tôi viết đơn xin công an thả chị cô tên L. ra. Số là gia đình X. + L. trước 1975 sống bằng nghề may quần áo hàng chợ bỏ mối. Sau 1975 bị lùa vào Hợp tác xã (HTX) May mặc phường thành lập với hai máy may nhà đem đóng góp vào HTX. Nhưng sau đó làm trối chết mà tiền đâu chẳng thấy, hai chị em xin nghỉ. Ban Quản lý HTX phán, nghỉ thì cứ nghỉ. Có điều người đi thì cứ đi nhưng hai máy may thì phải ở lại. Tức mình vì coi như tài sản mồ hôi nước mắt của mình bị cướp trắng trợn, hai chị em lập kế tìm dịp phân công một người gỡ đầu máy may chuyền cho người kia đứng bên ngòai bức tường rào HTX đem về nhà. Đang chuyển thì bị bắt quả tang, cô L. đứng bên trong bức tường bị bảo vệ bắt tống giam. Cô X. ở ngoài chạy thoát đến nhờ tôi làm đơn xin thả chị L. ra còn máy may xin tặng HTX. Nội dung lá đơn tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng kết quả là L. và hai máy may được thả. Hai chị em đền ơn tôi bằng cặp quần lót ngoại! Bây giờ chỉ có L. còn sống sót trong lần vượt biên sau đó và đang định cư ở Mỹ. Còn X. thì đã gởi xác dưới lòng biển Thái Bình sau khi gặp hải tặc… 

TTNT

 BỊ SỞ CÔNG AN CÁO BUỘC LÀM GIÁN ĐIỆP CHO NƯỚC NGOÀI 

Sau khi rời nghề dạy Anh văn ở trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1987, tôi vào làm cho AGREX SAIGON chuyên xuất khẩu Nông Lâm Thủy Hải Sản VN, thuộc tổng công ty IMEXCO. Làm được một thời gian ngắn với chế độ công nhật, thời vụ, lương không đủ tái tạo sức lao động được ban Giám đốc và các trưởng phòng sử dụng tối đa trong khi các con cha, cháu ông lại được trong biên chế, ngồi mát ăn bát vàng, tôi nhảy ngay sang công ty thương mại K.H. của bà Việt kiều Hàn quốc Đ.N.M qua sự giới thiệu của chị H., hàng xóm của gia đình tôi lúc còn ở trọ nhà bà Tư Béo. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp (hiện nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tp. HCM), tôi chưa bao giờ nộp đơn xin việc ở đâu. Tòan là được bạn bè, người quen tự nguyện tiến cử, giới thiệu chứ tôi cũng không hề nhờ cậy vì có biết gì đâu! 

Làm việc thật lòng, có nhiều khả năng và nhất là chân thật, không nề hà, tôi cũng được giám đốc K.H. triệt để khai thác năng lực nhưng đền bù xứng đáng. Có điều đó là một công ty gia đình, thiếu cách tổ chức khoa học. Một hôm bà giám đốc tuyên bố, “Nếu em nghỉ vào ngày…. thì nghỉ luôn đi.” mà không hề báo trước ít nhất 2 ngày là tôi sẽ phải tiếp và phiên dịch cho một ông đối tác Hàn quốc vào ngày mà tôi đã lên lịch xin nghỉ vì có việc riêng. Vì tôi không thể thay đổi lịch được do đã sắp xếp từ trước nên nói với giám đốc là vui lòng tìm người khác thay thế, tôi sẵn sàng không nhận lương ngày tôi nghỉ để bà trả cho người thay tôi. Bà bảo không thể được vì ông đối tác đó chỉ muốn làm việc với tôi. 

Thế là tôi xin nghỉ luôn. Sau đó bà cho người đến nhà tôi năn nỉ tôi trở lại làm, thậm chí còn bảo nếu tôi không trở lại thì bà coi chừng phải tự tử vì công ty phá sản. Tôi  không thể trở lại vì đã làm cho 1 công ty Úc nhưng giới thiệu 1 cô bạn học hồi trung học, xinh đẹp, giỏi giang, dân Nam bộ theo đúng ý muốn của bà giám đốc để thay chỗ tôi. Sau khi gặp bạn tôi, bà đồng ý nhận cô ấy và để cho tôi ra đi. 

Tôi chỉ làm tạm bợ ở công ty Úc. Vì họ chưa chính thức đặt văn phòng đại diện tại Sài Gòn thì giải tán sau một vụ xuất sắt phế liệu từ VN sang Thailand do một số trở ngại khách quan. Sau một thời gian ngắn làm phiên dịch và thương thảo hợp đồng cho nhiều công ty thương mại VN, được sự giới thiệu và tiến cử của Phó Tổng Giám đốc Petro VN 2, Đ.Đ.L., người hay gặp tôi trong thang máy ở khách sạn Rex khi văn phòng của công ty K.H. còn tạm đặt ở đó, tôi vào làm cho Tổng lãnh sự quán Ấn độ với vai trò phiên dịch và thư ký. Bản sao Tờ Tường trình tôi may mắn còn giữ được sau gần 20 năm dâu bể kể lại phần nào những gì tôi đã trải qua trong thời gian tôi có mối quan hệ thân thiết với Tổng Lãnh sự quán Ấn độ và ông H.V.S., Tổng lãnh sự Ấn đầu tiên ở VN sau 1975. 

Dĩ nhiên, trong Tờ Tự thuật tôi đã không thể kể hết các tình tiết ly kỳ ở giai đoạn đó như: 

1/ Trong buổi gặp Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ L.G để khiếu nại về việc tôi không phải do FOSCO_Cơ quan Phục vụ Người Nước Ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh_giới thiệu vào làm ở TLS quán Ấn độ tại sao tôi phải có nghĩa vụ nộp toàn bộ lương tôi được trả cho FOSCO và sau đó nhận lại tiền Việt chỉ bằng 1/7 tổng số lương TLS quán Ấn độ trả cho tôi, tôi có phát biểu bây giờ tôi mới hiểu vì sao VN sau 1975 thậm chí còn tụt hậu hơn cả Cambodia! Tôi còn nhớ ông L.G. nói rằng lương của cô như vậy là quá cao, hơn cả lương Bộ trưởng nữa đấy! Tôi lập tức đưa ra gỉai pháp, nếu so bì như vậy thì Bộ trưởng đổi chỗ với tôi đi. Tôi thay chỗ ông ta và ông ta xuống đây làm việc của tôi! Tôi sẽ có chế độ nhà ở, xe công vụ v.v…của ông ta và sống không cần lương. 

2/ Thấy nói không lại tôi, L.G. mời tôi lên gặp ông D., giám đốc FOSCO. Diễn tiến buổi gặp gỡ với ông D. xin đọc ở Tờ Tự thuật. 

3/ Chỉ sau 10 ngày làm việc ở TLS quán Ấn độ, tôi xin nghỉ vì FOSCO không thay đổi được “cơ chế” nhà nước. Diễn tiến sau đó tôi đã ghi lại phần nào trong Tờ Tự thuật. Những chuyện không thể viết trong đó là tôi bị FOSCO tố ở Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh rằng tôi làm gián điệp cho Ấn độ. Sở Công An bèn gửi cho tôi 2 thư mời lên Sở làm việc (một gửi về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của tôi và một gửi về nơi tôi thuê làm nơi tạm trú dài hạn). Tôi còn nhớ hôm lên Sở CA, tôi mặc bộ đầm vest với váy ngắn ngang gối. Khi đi vào ngang trạm gác, cậu công an mặt còn non choẹt quát tôi, “ Chị kia sao dám ăn mặc như thế lên đây. Mặt lại còn vác lên trời nữa chứ!”. Tôi quát lại, “Này, kiểu váy áo như vầy là giống kiểu của nữ quân nhân Hà Nội mặc đi diễu hành đấy nhá! Thế mặc quốc phục_áo dài VN mà mỏng tang thấy cả đồ lót bên trong mới đúng chuẩn hả? Còn bảo tôi phải cúi gằm mặt xuống mới đi vào đây được à?” Nghe nói đến nữ quân nhân Hà Nội, cậu ta hạ giọng, “Chị ở Hà Nội vào à?” Tôi vênh mặt lên cao giọng, “Đúng vậy!” Thế là cậu nhóc đổi ngay thái độ, “Thôi chị vào đi, tại em không biết!” Sau khi gặp cô công an tên H. để cô “hỏi cung” tôi (sau này tôi mới biết qua T.M., học trò cũ của tôi ở trường Nha, H.H. chỉ là bí danh, còn tên thật của cô là V.T.), tôi tìm gặp tay công an quản lý cậu công an gác cổng mắng vốn về thái độ của cậu ta đối với tôi, yêu cầu dạy dỗ lại nhân viên! 

4/ Khi biết tôi đã từng dạy Anh văn ở khoa Răng Hàm Mặt trường Đại học Y Dược tp. HCM, H.H. hỏi tôi có biết một sinh viên Nha tên T.N.T.M. không. Tôi đáp, học trò của tôi đó. Thế là sau đó cô nàng kể chuyện quen biết với T.M. ra sao và ngay sau buổi gặp gỡ với tôi, H.H. đã hỏi T.M. về cô giáo Thanh. Thật là một may mắn ngẫu nhiên cho tôi khi cô H.H. quen biết thân tình với một trong các học trò cũ của tôi. Ngày đó tất cả các học trò hai lớp 82 và 83 rất thương cô giáo Ngọc-Thanh tận tâm, cởi mở nên những gì T.M. nói với H.H. về tôi đã góp phần lớn cứu mạng tôi. Trong các buổi họp các lãnh đạo Sở CA xử vụ tôi bị cáo buộc làm gián điệp cho nước ngoài mà cụ thể là Ấn độ, H.H. là người duy nhất đứng lên bênh vực tôi, khẳng định mối quan hệ của tôi với Tổng Lãnh sự Ấn độ chỉ thuần túy là tình cảm bạn bè mà thôi. 

5/ Sau khi tôi nghỉ việc ở TLS quán Ấn độ, Tổng Lãnh sự H.V.S., thường xuyên mời tôi vào tư dinh của ông ta ở TLS quán chơi. H.V.S. giới thiệu tôi đi phiên dịch và giúp cho các doanh nhân Ấn sang VN thăm dò thị trường VN, nhận thù lao trực tiếp từ họ. Mỗi lần đi đâu là dùng xe của H.V.S. có biển số ngoại giao nên dù FOSCO hăm dọa qua tài xế và tạp vụ phục vụ cho H.V.S. (đồng thời theo dõi tôi) là sẽ có ngày gô cổ tôi tống vào tù, tôi vẫn không mảy may nao núng, sợ sệt vì nắm rõ luật miễn trừ ngoại giao (diplomatic immunity). Khi bước vào địa phận TLS quán Ấn độ hay bước lên xe của TLS là không ai ở phía VN có quyền tra xét tôi. 

6/ Việc FOSCO cáo buộc tôi làm gián điệp cho nước ngoài không biết có phải là, “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” hay không. Tôi nghỉ việc ở TLS quán Ấn độ làm FOSCO mất khoản tiền lớn hàng tháng (tính ở thời điểm đó) từ lương của tôi. Ở mức lương khởi điểm, tôi đươc trả USD385.--/tháng thay vì USD350.---là mức TLS quán trả cho các phiên dịch viên và thư ký. 

H.V.S. làm việc ở Việt Nam gần 3 năm. Từ tháng 2 năm 1988 đến tháng 12 năm 1989 là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn độ tại Hà Nội, VN. Từ tháng 12 năm 1989 đến tháng 12 năm 1991 là Tổng Lãnh sự Ấn độ tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. 

H.V.S. và tôi không liên lạc với nhau kể từ ngày H.V.S. rời VN. Bất ngờ vào năm 2001, tôi nhận được Email của H.V.S. Tôi hỏi H.V.S. làm thế nào mà biết được Email address của tôi trong khi tôi không hề có một mối dây liên lạc gì với bất kỳ ai ở Tổng Lãnh sự quán Ấn độ lúc đó. H.V.S. bảo một người nhiều người biết như tôi thì chẳng khó gì để truy tìm tông tích và từ chối cho tôi biết “làm cách nào”! Từ đó tới nay chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên qua Email. Và chỉ mới gần đây tôi mới tiết lộ cho H.V.S. biết về chuyện tôi bị cáo buộc làm gián điệp cho Ấn độ trong thời gian H.V.S. còn đương nhiệm tại Việt Nam. 

May cho tôi là quan hệ giữa VN và Ấn độ rất tốt đẹp xưa nay nên dù ai đó có cáo buộc tôi là gián điệp cho Ấn độ thì cũng chẳng dễ dàng gì hăm dọa tống tôi vào tù!

------------------------------------------------------------------------------------

 Cũng giống như ở bài viết 0 và 1, tôi khẳng định trên danh dự và sinh mạng của mình tất cả các chi tiết của câu chuyện dưới đây thật 100%

TỜ GIẤY PHÉP IN ẤN PHẨM “BÉ KHỎE” ĐỂ QUẢNG BÁ SỮA DUMEX 

Năm 1991, ở vai trò điều phối viên bán hàng (sales coordinator) của công ty kinh doanh EAC (East Asiatic Company) Trading của Đan Mạch, lúc đó ông Jan Dam Peterson làm giám đốc, tôi được giao nhiệm vụ đem cuốn Healthy Baby đã được bác sĩ Nguyễn Lân Đính dịch ra Việt ngữ “Bé Khỏe” đi in thành các tập sách khổ lớn. Đó là tập sách được sử dụng vào mục đích quảng cáo sữa bột Dumex bằng cách đem đến các nơi phụ nữ hay lui tới nhiều đặt trên giá sách cho đọc miễn phí như các nhà bảo sanh, các thẩm mỹ viện, tiệm uốn tóc… 

Nội dung sách là về cách chăm sóc bà mẹ mang thai trước và sau khi sinh nở; cách chăm sóc bé sơ sinh lúc mới chào đời và những năm sau đó với hướng dẫn cặn kẽ của y sĩ và các hình minh họa sinh động, đẹp mắt. Khi đến nhà in, tôi được hướng dẫn thủ tục là phải có giấy phép cho in và phát hành của Sở Thông tin Văn hóa thì họ mới dám nhận in.

Thế là tôi mang bản gốc Anh ngữ và bản dịch Việt ngữ đến Sở Thông tin Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh xin cấp giấy phép. Đến nơi qua mấy phòng ban thì cuối cùng được bảo vì Healthy Baby là tài liệu Anh ngữ tức là có yếu tố nước ngoài nên Sở không có chức năng duyệt mà phải là Bộ Thông tin Văn hóa. Tôi cũng ngoan ngoãn hỏi thăm địa chỉ của Chi nhánh Bộ TT VH để mang sang.   

Đến Chi nhánh Bộ ở đường Nguyễn thị Minh Khai, quận 1 thì được hướng dẫn mang vào phòng Giám đốc H.L.. Thế là tài liệu được nhận với biên nhận mười ngày sau đến lấy kết quả. 

Đúng mười ngày sau, tôi hăm hở đến lấy giấy phép in. Bước vào phòng Giám đốc thì được đích thân ngài H.L. chìa ra tập tài liệu tôi đã nộp, thông báo là vì tài liệu bằng Anh ngữ nên phải do Bộ Thông tin Văn hóa ở Hà Nội duyệt chứ Chi nhánh không có chức năng. Nghĩa là phải mang ra Hà Nội xin giấy phép. 

Không thể tưởng tượng được chuyện khó tin nhưng có thật này, tôi đứng giữa phòng mặt phừng phừng lửa giận hét toáng lên, “Tại sao có một cái giấy phép đơn giản mà bắt chúng tôi phải cơm ghe bè bạn ra tận Hà Nội để lấy. Mất tiền bạc, thời gian một cách phi lý vậy sao? Tài liệu đã được bác sĩ Nguyễn Lân Đính, chuyên khoa Nhi và Dinh dưỡng, người đã được nhà nước cấp giấy phép công nhận, dịch ra Việt ngữ. Ông đọc và hiểu tiếng Việt phải không? Nội dung tập sách này có gì đồi trụy phản động không? Tài liệu này chúng tôi in ra phổ biến miễn phí. Người hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Sách báo đồi trụy nhảm nhí đang bày bán đầy dẫy ở đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ ai chịu trách nhiệm? Sao không giỏi ra bắt đi mà lại đi làm khó người đem lại ích lợi cho đất nước này? Đúng là các ông đang làm nghèo đất nước đó! Chuyện nhỏ và đơn giản như vầy Chi nhánh Bộ TT VH không làm được thì đặt ra cái Chi nhánh Bộ ở tp. HCM này, bổ nhiệm Giám đốc làm gì! Ông xuống đi, đừng ngồi ở cái ghế Giám đốc đó nữa! Người dân chúng tôi không đóng thuế để trả lương cho những người vô tích sự! Có một chuyện cỏn con như vầy, đã bắt tôi đi tới đi lui nửa tháng nay rồi mà giấy phép chưa có là sao? Thật là quá đáng!” 

H.L. ngồi chết trân, không thốt nên lời. Chắc đang tự hỏi cô này là ai mà dám quát tháo cán bộ cỡ bự của Đảng và nhà nước như vầy! 

Nói xong tôi cầm tập tài liệu quay ngoắt ra cửa về công ty. Về đến nơi tôi lập tức cầm điện thoại gọi lên Sở TT VH đòi gặp Giám đốc Sở lúc bấy giờ là ông C.L.T. Vừa bắt máy là CLT nói ngay, “ Xin lỗi tôi đang rất bận…” Tôi chặn ngang, “Ông bận mấy cũng vui lòng nghe tôi trình bày vắn tắt vì việc này liên quan đến cái ghế của ông đấy. Tôi muốn biết tại sao xin có mỗi cái giấy phép ấn hành tập sách Bé Khỏe dạy phụ nữ tự chăm sóc trước và sau khi sinh cũng như chăm sóc con của họ mà Sở thì đẩy lên Chi nhánh Bộ TT VH, CN Bộ thì bảo phải ra Hà Nội xin giấy phép. Sao hành dân làm nghèo đất nước dữ vậy???” Tôi không nhớ tất cả những gì tôi nói với CLT nhưng ông ta đề nghị tôi lên gặp ông H.T.N., trưởng phòng Xuất bản của Sở TT VH để ông ấy giải quyết cho. 

Thế là tôi lại phóng xe lên Sở TT VH lần nữa. Vừa bước vào phòng của H.T.N., cả phòng đổ dồn mắt nhìn tôi như thể tôi là người ngoài hành tinh. Còn HTN thì vừa nhìn tôi từ đầu đến chân vừa nói, “Chà, lần đầu tiên tôi mới thấy có một người đi xin giấy phép mà dám mắng người ký giấy phép cho mình xối xả như vậy!” Tôi vặc lại, “Ai đi xin ai? Sao không thấy là chúng tôi tạo cơ hội cho các cán bộ công nhân viên nhà nước có việc mà làm để tháng tháng lãnh lương từ tiền đóng thuế của người dân chúng tôi?” HTN bật cười, “Hmm, đúng là madame Margaret Thatcher của VN! Chưa từng thấy ai như cô! Thôi, cơ chế nhà nước mà, đâu có dễ thay đổi một sớm một chiều được, cô ngồi xuống lấy giấy bút ra tôi hướng dẫn viết lại lá đơn giao cho phòng Xuất bản chúng tôi lo giấy phép tập sách của công ty cô” Vừa chuẩn bị giấy bút tôi vừa hỏi, “Ủa, vậy chứ người đặt ra cơ chế hay cơ chế sinh ra người vậy? Mà cơ chế là nhằm mục đích phục vụ người dân để làm xã hội ngày càng tiến chứ đâu phải gây phiền toái cho dân và làm trì trệ xã hội đâu!” HTN chỉ cười và lắc đầu, bắt đầu đọc cho tôi viết. Lúc tờ đơn vừa viết xong , HTN cầm điện thoại lên và trước mặt tôi gọi cho H.L., người tôi vừa mắng xối xả, “ Thôi, chịu khó ký cho nó một cái kẻo nó lên đến Thủ Tướng là mệt cho bọn mình à!”. 

Hai ngày sau, đích thân HTN gọi điện thoại cho tôi mời lên Sở TT VH lấy giấy phép! Tôi bàn với sếp Peterson mua một món quà cám ơn HTN. Peterson đồng ý. Khi đến gặp HTN, tôi nói với ông ta,  “Thay mặt công ty EAC Trading và sếp tôi, tôi chân thành cám ơn sự giúp đỡ của ông và muốn có một món quà nhỏ đền đáp. Đây là chút lòng tri ơn chứ không phải là hối lộ đâu đấy! Tôi không biết nếu hỏi ông thích chúng tôi tặng ông thứ gì thì có tiện không? HTN cười, “ Thôi, cô mời tôi một chầu ăn sáng là tôi vui rồi.” Thế là sếp tôi đưa tiền cho tôi mời HTN. Ăn xong, HTN không để cho tôi trả tiền nên sau đó tôi dùng tiền công ty mua biếu ông ta một bộ quần tây áo chemise… 

Bây giờ HTN vẫn còn sống và làm việc tại thành phố HCM. Còn ông H.L thì không biết ra sao. Tuy nhiên, dù thế nào tôi cũng hy vọng quý vị đó đã thay đổi được tư duy và lề lối làm việc theo chiều hướng làm giàu đất nước và từ đó làm giàu bản thân mình… 

Mong thay! 

TTNT

 


 

 

No comments:

Post a Comment